Chiều ngày 14/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình thực hiện công tác CCHC 10 tháng năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2023. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Trong 10 tháng năm 2023, các bộ, ngành, địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo đề ra những giải pháp cụ thể, tạo đột phá để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy trình, TTHC. Tính đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa được 437/1.086 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đạt 40%. Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 10/11/2023, đã có 4419 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được triển khai tích cực, trong tháng 10 năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt gần 27% (tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt gần 41% (tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2022). Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt trên 82%, địa phương đạt trên 70%. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 15 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức. Theo thống kê từ Bộ Công an, đến 10/10/2023 đã cấp trên 83,76 triệu căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, bên cạnh những kết quả đạt được công tác CCHC còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Một số TTHC còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi giải quyết hồ sơ TTHC ở một số lĩnh vực như: đất đai, xây dựng... Kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để.
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương thảo luận, bàn giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác CCHC, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, không để phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định ở một số cơ quan, đơn vị.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại. Nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Huy động nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2023; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền, thực hiện cắt giảm TTHC; cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt. Hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.